Các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao

[CPP] Các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao cùng một số thông tin.

>> Xem thêm: Các nhóm ngôn ngữ của các dân tộc Việt Nam

Dân tộc Dao

Người Dao có nguồn gốc từ Trung Quốc, việc chuyển cư sang Việt Nam kéo dài suốt từ thế kỷ XII, XIII cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Người Dao thường sống ở vùng lưng chừng núi hầu hết các tỉnh miền núi miền Bắc. Tuy nhiên một số nhóm Dao Quần trắng ở thung lũng, còn Dao Đỏ lại ở trên núi cao. Thôn xóm phần nhiều phân tán, rải rác, năm bảy nóc nhà. Nhà của người Dao rất khác nhau, tuỳ nơi họ ở nhà trệt, nhà sàn hay nhà nửa sàn, nửa đất. Về hoạt động sản xuất, hình thức canh tác phổ biến là làm nương, thổ canh hốc đá, ruộng. Tuỳ từng nhóm, từng vùng mà hình thức canh tác này hay khác nổi trội lên như: Người Dao Quần trắng, Dao áo dài, Dao Thanh y chuyên làm ruộng nước; người Dao Đỏ thổ canh hốc đá. Phần lớn các nhóm Dao khác làm nương du canh hay định canh. Họ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; ở vùng núi, vùng cao còn nuôi dê, ngựa. Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến ở các nhóm Dao. Họ ưa dùng vải nhuộm chàm. Hầu hết các xóm đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ, nhiều nơi còn làm súng hoả mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang. Nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức.

Trước đây, đàn ông để tóc dài, búi sau gáy hoặc để chỏm tóc dài trên đỉnh đầu, xung quanh cạo nhẵn. Các nhóm Dao thường có cách đội khăn khác nhau. áo có hai loại, áo dài và áo ngắn. Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài, yếm, váy hoặc quần. Y phục thêu rất sặc sỡ. Theo phong tục người Dao, khi nhà có người ở cữ người ta treo cành lá xanh hay cài hoa chuối trước cửa để làm dấu không cho người lạ vào nhà vì sợ vía độc ảnh hưởng tới sức khoẻ đứa trẻ. Trong cưới xin có tục chăng dây, hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái trước khi vào nhà, hát trong đám cưới. Lúc đón dâu, cô dâu được cõng ra khỏi nhà gái và phải bước qua cái kéo mà thầy cúng đã làm phép mới được vào nhà trai. Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Bàn vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Người Dao có vốn văn nghệ dân gian phong phú, nhiều truyện cổ, bài hát, thơ ca. Đặc biệt truyện “Quả bầu với nạn hồng thuỷ”, “Sự tích Bàn vương” rất phổ biến trong người Dao.

Dân tộc Hmông

Dân tộc Hmông sinh sống tập trung ở miền núi cao thuộc các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An và Thanh Hoá. Kinh tế chủ yếu là nương định canh hoặc nương du canh và ruộng bậc thang trồng ngô, lúa, lúa mạch; nghề phụ có trồng lanh, trồng thuốc phiện (trước đây), các cây ăn quả như táo, lê, đào, mận và dệt vải lanh. Người Hmông chăn nuôi chủ yếu trâu, bò, lợn, gà, ngựa. Con ngựa rất thân thiết với từng gia đình Hmông. Chợ ở vùng Hmông vừa thoả mãn nhu cầu trao đổi hàng hoá, vừa thoả mãn nhu cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt. Trang phục của người Hmông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm. Các nhóm Hmông được phân biệt theo màu sắc và trang phục của phụ nữ. Phụ nữ Hmông Trắng mặc váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau, cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành. Phụ nữ Hmông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoa hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu; để tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả. Phụ nữ Hmông Đen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực. Phụ nữ Hmông Xanh mặc váy ống. Phụ nữ Hmông Xanh đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng.

Người Hmông rất coi trọng dòng họ bao gồm những người có chung tổ tiên. Các đặc trưng riêng với mỗi họ thể hiện ở những nghi lễ cúng tổ tiên, ma cửa, ma mụ… Phong tục cấm ngặt những người cùng họ lấy nhau. Tình cảm gắn bó giữa những người trong họ sâu sắc. Trưởng họ là những người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin nghe. Gia đình nhỏ, phụ hệ. Cô dâu đã qua lễ nhập môn, bước qua cửa nhà trai, coi như đã thuộc vào dòng họ của chồng. Vợ chồng rất gắn bó, luôn ở bên nhau khi đi chợ, đi nương, thăm hỏi họ hàng. Phổ biến tục cướp vợ. Về thờ cúng, trong nhà có nhiều nơi linh thiêng dành cho riêng cho việc thờ cúng như nơi thờ tổ tiên, ma nhà, ma cửa, ma bếp; nhiều lễ cúng kiêng cấm người lạ vào nhà, vào bản. Sau khi cúng ma cho ai thường đeo bùa để lấy phước. Người Hmông ăn tết cổ truyền vào đầu tháng 12 âm lịch; sau tết là hội Sải Sán (leo núi) tổ chức từ mùng 3-5 tết, là một lễ hội truyền thống và độc đáo. Thanh niên thích chơi khèn, vừa thổi vừa múa; kèn lá, đàn môi là phương tiện để thanh niên trao đổi tâm tình.

Dân tộc Pà Thẻn

Dân tộc Pà Thẻn sống tập trung ở một số xã ở huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang và huyện Chiêm Hoá tỉnh Tuyên Quang. Kinh tế chủ yếu là làm nương rẫy; hái lượm còn đóng vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế; nghề dệt có từ lâu đời, sản phẩm được nhiều dân tộc xung quanh ưa thích.

Bản làng thường tập trung ven suối, thung lũng hay trên triền núi thấp; quen ở nhà sàn, nhà nền đất và nửa sàn nửa nền đất. Trang phục sặc sỡ, nam giới mặc áo cánh, quần dài lá toạ màu chàm, đầu quấn khăn dài; phụ nữ mặc váy dài, áo, yếm, khăn đội đầu được trang trí nhiều hoa văn, màu sắc lấy đỏ làm chủ đạo; phụ nữ thích đeo các loại vòng trang sức bằng bạc. Gia đình một vợ một chồng. Việc lấy nhau giữa những người cùng họ bị cấm nghiêm ngặt, việc ngoại tình bị xã hội lên án; có hai hình thức ở rể là ở rể tạm thời (tối đa 12 năm) và ở rể đời- sang ở hẳn bên nhà vợ, con mang họ mẹ. Đời sống văn nghệ phong phú như ca hát, thổi sáo và các trò chơi dân gian.

guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x