[CPP] Các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ Ka Đai cùng một số thông tin cơ bản.
>> Xem thêm: Các nhóm ngôn ngữ của các dân tộc Việt Nam
Dân tộc Cờ Lao
Người Cờ Lao sinh sống tập trung ở các huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang. Kinh tế chủ yếu là làm nương với lúa và ngô, nương nằm cạnh hốc đá; một bộ phận sinh sống ở Hoàng Su Phì biết làm ruộng nước và nương núi đất; ngoài ra còn có một số nghề thủ công như mộc, đan lát.
Bản làng của người Cờ Lao ở đỉnh núi cao, mỗi bản chừng 15-20 nóc nhà, các nhà ở gần nhau song kiêng một số điều như: nhà sau không được nhìn vào lưng nhà trước; nhà đất thường ba gian, chuồng gia súc bố trí ở phía trước nhà chính. Phụ nữ mặc áo cùng loại với áo người Nùng, Giáy nhưng dài quá gối. áo được trang trí bằng những miếng vải màu đáp trên hò áo, ngực, tay áo. Trước đây người Cờ Lao trắng, Cờ Lao Xanh còn mặc thêm chiếc áo ngắn tay ra ngoài áo dài để phô những miếng vải màu trắng đắp trên tay áo trong, chân quấn xà cạp. Tục lệ cưới xin khác nhau giữa các nhóm. Chú rể Cờ Lao Xanh mặc áo dài xanh, cuốn khăn đỏ qua người. Cô dâu về đến cổng nhà trai phải búi tóc ngược lên đỉnh đầu và muốn qua cổng phải dẫm vỡ một cái bát, một cái muôi gỗ đã để sẵn trước cổng. Cô dâu Cờ Lao Đỏ chỉ ngủ lại nhà chồng đêm hôm đón dâu. Cách cưới kéo vợ hay cướp vợ như người Hmông vẫn thường xảy ra. Về ma chay, trong tang lễ có tục làm ma hai lần: lễ chôn người chết và lễ làm chay. Người Cờ Lao Đỏ có phong tục xếp đá quanh mộ, cứ 10 tuổi lại xếp một vòng đá. Các vòng đá tuổi được phủ kín đất; trên cùng lại xếp thêm một vòng đá nữa. Người Cờ Lao thờ cúng tổ tiên, thờ thần đất, thần nương được tượng trưng bằng một hòn đá kỳ dị đặt vào một hốc đá cao nhất trong nương.
Dân tộc La Chí
Dân tộc La Chí sinh sống chủ yếu ở các huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần tỉnh Hà Giang và các huyện Bắc Hà, Mường Khương tỉnh Lào Cai. Người La Chí giỏi nghề khai khẩn và làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước.
Bản làng định cư đông đến 50-60 gia đình; nhà làm theo kiểu nửa nhà sàn, nửa nhà đất, sàn có ba gian làm nơi sinh hoạt, bàn thờ tổ tiên đặt ở gian to nhất, phần nhà đất là nơi làm bếp. Đàn ông mặc áo dài năm thân, cài khuy bên nách phải, tóc dài quá vai, đội khăn hay cuốn khăn xếp. Phụ nữ mặc quần, một số ít còn mặc váy; bộ y phục truyền thống là chiếc áo dài tứ thân xẻ giữa, yếm thêu, thắt lưng bằng vải, ưa dùng khăn đội đầu dài gần 3 mét. Màu chàm đen rất được ưa thích. Nữ đeo vòng tay, vòng tai; nam chỉ đeo vòng tay. Tục nhận bố mẹ nuôi cho trẻ sơ sinh khá phổ biến; trẻ khóc nhiều được quan niệm là tên chưa hợp, phải bói tìm dòng họ thích hợp làm bố mẹ nuôi đặt tên cho con. Người ta cúng tổ tiên vào dịp lễ tết, theo phong tục, bố mẹ chôn ngày nào con cái nhớ suốt đời không được gieo giống hay cho vay, mượn vào ngày đó. Ngày lễ, tết trai gái thường hát đối đáp, chơi đàn tính 3 dây, đàn môi; trống chiêng được dùng phổ biến.
Dân tộc La Ha
Dân tộc La Ha cư trú chủ yếu ở một số huyện của tỉnh Lào Cai và Sơn La. Người La Ha đã bắt đầu làm ruộng nước, nhưng loại hình kinh tế chính vẫn là nương rẫy du canh, du cư và săn bắn, hái lượm.
Người La Ha ở nhà sàn, cấu trúc theo hai kiểu: kiểu ở tạm từ 1-3 năm của những nhóm sống du canh du cư. Loại nhà này hai đầu hồi mái nhà lượn tròn theo hình bầu dục, dài ra hai bên như hình hàm lợn. Kiểu nhà ở lâu năm của những nhóm cư dân sống bán định cư, bán định canh hoặc định canh định cư; loại nhà này hai đầu hồi mái tròn khum hình mai rùa giống kiểu nhà người Thái Đen. Gia đình người La Ha theo chế độ phụ hệ, không chỉ con cái mang họ bố mà vợ cũng phải mang họ chồng, con gái không được thừa kế tài sản. Hôn nhân một vợ một chồng, có khoản tiền cưới gọi là nang khả pọm để trả ơn bố mẹ vợ, tuy nhiên trai gái được tự do tìm hiểu, không có sự ép buộc của cha mẹ. Sau khi lễ dạm hỏi, nếu nhà gái không trả lại trầu cau thì người con trai phải đến nhà gái bắt đầu ở rể làm công cho bố mẹ vợ, thời gian từ 4-8 năm. Hết hạn ở rể mới bắt đầu tổ chức lễ cưới chính thức thu mà phu (làm cơm rượu). Sau lễ cưới này, cô dâu được đón về nhà chồng, đổi họ theo họ chồng và không được quay về ở với bố mẹ đẻ nữa dù chồng chết. Người La Ha thờ tổ tiên trong gian nhà hóng như của người Thái. Kiêng đem rau xanh, lá xanh, vật màu xanh và thịt sống vào cửa bên ở của gia đình, mà phải mang những thứ đó vào cửa của bên khách. Khi đặt nồi chảo lên bếp kiêng không để quai nồi, chảo theo hướng của hai cửa ra vào. Khi có người chết, tất cả những điều kiêng kỵ trên đều được huỷ bỏ và làm ngược lại. Người La Ha hát, làm thơ bằng tiếng Thái khá thạo. Hai điệu múa đặc trưng là múa dương vật (lin ga) và múa cung kiếm.
Dân tộc Pu Péo
Người Pu Péo sống tập trung ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Ninh tỉnh Hà Giang. Xưa kia họ ở nhà sàn, nay ở nhà trệt. Người Pu Péo chuyên trồng ngô, đậu trên nương với kỹ thuật cao, như cày nương, bón phân và trồng xen canh gối vụ. Một số trồng lúa trên ruộng bậc thang, sử dụng trâu, bò làm sức kéo. Có người làm nghề ngói máng, mộc.
Váy và áo phụ nữ của người Pu Péo rất đặc sắc, chỉ sử dụng kỹ thuật đắp vải màu. Áo mặc hai lớp, áo ngoài xẻ ngực, không khuy cài, xung quanh gấu và hò áo được trang trí bằng cách đắp những miếng vải khác màu xếp thành hình tam giác, hình vuông hay hình quả trám; cổ tay áo viền những khoanh vải khác màu. áo ngắn mặc trong, cài khuy bên nách phải cũng được trang trí bằng vải màu như áo ngoài. Tóc của phụ nữ vấn trước trán, gài lại bằng chiếc lược gỗ, phủ khăn vuông.
Cưới xin có nhiều bước: hôm đón dâu, phù dâu phải cõng cô dâu ra khỏi cổng để theo đoàn nhà trai về. Trong bữa cơm cúng tổ tiên, thức ăn để trên nong, cả nhà cùng dâu, rể phải ăn bốc. Khi có người chết tổ chức lễ làm ma và lễ làm chay hay còn gọi là ma khô. Tín ngưỡng truyền thống là thờ cúng tổ tiên, trên bàn thờ có những hũ sành nhỏ tượng trưng cho một đối tượng thờ, ít nhất 3 hũ cho 3 đời. Hát đám cưới xin dâu giữa nhà trai và nhà gái suốt 3-4 giờ trở thành một sinh hoạt văn nghệ rất độc đáo. Đám cưới là dịp để trai, gái ca hát vui chơi.
>> Xem thêm: Danh mục 54 Dân tộc anh em tại Việt Nam