Các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ Việt – Mường

[CPP] Danh sách các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ Việt – Mường cùng những thông tin sơ lược.

>> Xem thêm Các nhóm ngôn ngữ của các dân tộc Việt Nam

Hầu hết các cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường phân bố ở Việt Nam, gồm 4 dân tộc: Việt, Mường, Thổ, Chứt, với dân số gần 75 triệu người (2009), chiếm hơn 87% dân số chung toàn quốc.

Các dân tộc có chung một cội nguồn lịch sử. Tổ tiên họ, cư dân Lạc Việt, lập nghiệp ban đầu ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Thành tựu khảo cổ học minh chứng cho các giai đoạn phát triển liên tục từ sơ kỳ thời đại đồng thau tới sơ kỳ thời đại đồ sắt, mà đỉnh cao là nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng tồn tại từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Quá trình phân hoá tộc người diễn ra suốt nhiều thế kỷ sau Công nguyên.

Trong truyền thống, giữa 4 dân tộc có nhiều điểm giống nhau về ngôn ngữ và phong tục tập quán. Bên cạnh đó, điều kiện sống, những biến động lịch sử và sự tiếp thu văn hoá từ bên ngoài làm cho các dân tộc này khác biệt nhau. Người Việt (Kinh) trở thành dân tộc đa số của quốc gia. Người Mường gần gũi với người Thái về nhiều khía cạnh văn hoá, đặc biệt là về tổ chức xã hội. Trong khi đó, người Thổ và người Chứt có dân số ít, lại gồm nhiều nhóm nhỏ sinh sống trên địa bàn không thuận lợi và bị hoàn cảnh xô đẩy vào trạng thái suy thoái suốt một thời gian dài trong quá khứ, vì vậy đời sống khó khăn bậc nhất ở Việt Nam. Nhiều nhóm trong hai cộng đồng Thổ và Chứt, cũng như nhóm Nguồn của người Việt, vốn là cư dân vùng đồng bằng đã phiêu dạt lên miền núi từ lâu đời, nên vẫn bảo lưu nhiều yếu tố ngôn ngữ và văn hoá của người Việt cổ.

Trưng bày về các dân tộc nhóm Việt – Mường được bố trí ở tầng 1 của tòa “Trống đồng”. Có nhiều chủ đề khác nhau, được thể hiện thông qua các hiện vật, ảnh thực địa và bài viết bằng 3 ngữ: Việt, Pháp, Anh. Có 2 điểm trưng bày bằng hình thức tái tạo, kèm theo phim video: Nghề nón làng Chuông (người Việt) và Đám ma người Mường. Ngoài ra, ở Vườn Kiến trúc (khu trưng bày ngoài trời) có một khuôn viên người Việt vùng Thanh Hóa.

Dân tộc Chứt

Dân tộc Chứt sinh sống ở một số xã của hai huyện Minh Hoá và Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Người Chứt vốn sống bằng nông nghiệp nương rẫy du canh, chăn nuôi và săn bắn, hái lượm. Trừ nhóm Sách sống bằng nông nghiệp còn các nhóm khác hái lượm và săn bắn chiếm vị trí quan trọng, thậm chí là nguồn sống chính trong những năm mất mùa; nghề thủ công có đan lát và nghề mộc là phổ biến. Người Chứt sống định cư và quần tụ thành từng làng (Cà Vên), nhưng làng tản mạn, mỗi làng có trưởng làng do dân suy tôn, thường là trưởng tộc một dòng họ có uy tín nhất trong làng. Nhà ở thường không bền vững, họ quen ở trong các túp lều dùng dây buộc, dùng cột ngoàm hay ở trong các hang đá, mái đá. Cho đến trước năm 1945 các nhóm Rục, Arem chủ yếu vẫn sống trong các hang đá, mái đá. Người Chứt không biết dệt vải, mùa hè nam giới đóng khố, cởi trần; phụ nữ mặc váy. Mùa đông, họ mặc áo làm bằng vỏ cây. Hiện nay đồng bào ăn mặc giống như người Kinh. Quan hệ vợ chồng bền vững; lễ cưới được tổ chức bên nhà gái, sau đó mới đón dâu. Lễ vật quan trọng nhất ngoài lợn, gà, nhất thiết phải có thịt khỉ sấy khô. Tang ma đơn giản và có nhiều ảnh hưởng của người Kinh, thường tổ chức trong 3 ngày, sau đó đưa đi chôn, đắp mộ đất, sau 3 ngày tộc trưởng làm lễ gọi hồn người chết về ngụ trên bàn thờ tổ tiên ở nhà tộc trưởng, từ đó phần mộ không được chăm nom. Ngoài thờ cúng tổ tiên, bàn thờ đặt ở nhà tộc trưởng, người Chứt thờ nhiều ma: ma rừng, ma suối, thần nông, ma bếp… Các nghi lễ nông nghiệp thường được thực hiện như lễ xuống giống, lễ sau gieo hạt, lễ cúng hồn lúa, lễ ăn mừng được mùa. Kho tàng văn nghệ dân gian phong phú như làn điệu dân ca Kà Tưm, Kà Lềnh, nhiều truyện kể; nhạc cụ có khèn bè, đàn ống, lồ ô, sáo…

Dân tộc Kinh (tên gọi khác: Việt)

Dân tộc Kinh phân bố khắp 61 tỉnh, thành phố nhưng đông nhất là vùng đồng bằng, thành thị. Là cư dân có nguồn gốc bản địa lâu đời và phát triển từ thời nguyên thuỷ, tổ tiên người Kinh từ rất xa xưa đã định cư chắc chắn ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, người Kinh luôn là trung tâm thu hút và đoàn kết các dân tộc anh em xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về mặt kinh tế, kể từ khi đã thoát ra khỏi cuộc sống nguyên thuỷ, người Kinh đã biết đến kim loại, chế tác được các công cụ lao động bằng sắt, đồ dùng bằng đồng và hợp kim đồng; với sự xuất hiện của công cụ lao động bằng sắt, người Kinh cổ đã sáng tạo ra nền văn minh Việt cổ rực rỡ, lấy nền nông nghiệp trồng lúa nước làm chủ đạo, khai thác thành công vùng đồng bằng phì nhiêu; cùng với nền nông nghiệp lúa nước, người Kinh đã sáng tạo ra rất nhiều nghề thủ công truyền thống, tạo ra vô vàn những hàng hoá cần cho cuộc sống từ chế biến cái ăn đến cái mặc, đến nhà ở và các phương tiện sống. Nền kinh tế của người Kinh trải qua hàng ngàn năm cho đến trước thời hiện đại (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) vẫn là kinh tế nông nghiệp kết hợp với nghề thủ công truyền thống, được đánh giá là một nền kinh tế tiêu biểu cho Việt Nam và khu vực.

Về tổ chức xã hội, người Kinh sau khi thoát khỏi cuộc sống hang động, đã định cư và tạo nên cuộc sống lấy làng (mà người xưa gọi là kẻ) làm nơi định cư. Trong làng thường có nhiều xóm, có xóm lớn tương đương với một thôn. Mỗi làng có đình là nơi hội họp và thờ cúng chung. Người Kinh thường ở nhà trệt. Ngôi nhà chính thường có kết cấu 3 gian hoặc 5 gian và gian giữa là gian trang trọng nhất, đặt bàn thờ gia tiên. Về văn hoá, dân tộc Kinh là một trong những dân tộc ở trong khu vực luôn đạt đến trình độ văn hoá văn minh rực rỡ của mọi thời đại, từ văn minh Việt cổ, văn minh Đại Việt sau thế kỷ X cho đến ngày nay đều chứng tỏ điều đó. Trong văn hoá – văn minh, từ văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần và văn hoá ứng xử, người Kinh đã sáng tạo ra những nét đặc sắc cho mình, tiếp thu có chọn lọc các ưu điểm của các nền văn minh khác để làm phong phú cho dân tộc. Những biểu hiện văn hoá Việt thật phong phú, đa dạng, chỉ đơn cử văn hoá tín ngưỡng: từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những anh hùng dân tộc có công với làng nước và trên những cơ sở đó tiếp thu những tín ngưỡng Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Công giáo… Tất cả đều được cải biên để phù hợp, thích ứng với đời sống vật chất và tinh thần của người Kinh là một nét đặc sắc của văn hoá tín ngưỡng Kinh. Trong tín ngưỡng văn hoá đó, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng quan trọng nhất của người Kinh. Bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà: được cúng lễ vào các ngày giỗ, tết và các dịp tuần tiết, v.v… Trong văn hoá, những sáng tạo văn học – nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại cũng là những nét bản sắc rất điển hình của người Kinh. Văn học nghệ thuật dân gian với nhiều thể loại phong phú: truyện cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ… phản ánh toàn bộ mọi mặt của cuộc sống dân tộc. Văn học dân gian góp phần to lớn vào việc giữ gìn bản lĩnh, bản sắc dân tộc. Văn học viết cũng đạt được những thành tựu to lớn ở giai đoạn Lý- Trần và đặc biệt từ thế kỷ XV về sau với các cây bút thiên tài: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Các bộ môn nghệ thuật như mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu… phát triển cao, được chuyên nghiệp hoá.

Dân tộc Mường

Người Mường cư trú lâu đời ở các tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá, Phú Thọ… Về nguồn gốc lịch sử, người Mường cùng nguồn gốc với người Kinh. Kinh tế chủ yếu là trồng lúa nước; ngoài ruộng nước, người Mường còn làm nương rẫy, săn bắn, đánh cá, hái lượm và sản xuất thủ công nghiệp. Tổ chức xã hội, chủ yếu là mường bản, mỗi bản gồm một số gia đình, nhiều hay ít tuỳ theo địa bàn cư trú quy định, bản có tổ chức chặt chẽ. Đại bộ phận người Mường ở nhà sàn, kiểu nhà 4 mái. Rượu cần của người Mường nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men, được đem ra mời khách quý và uống trong các cuộc vui tập thể. Trang phục tiêu biểu của phụ nữ là khăn đội đầu và áo cánh ngắn màu trắng, váy đen có cạp dệt hoa văn sặc sỡ và hoạ tiết cực kỳ phong phú. Hôn nhân có nhiều nét giống người Kinh. Tang ma cầu kỳ tốn kém. Người Mường có nền văn hoá dân gian phong phú với nhiều truyện cổ (mo) nổi tiếng “Đẻ đất đẻ nước”, “lên trời”… Cuốn “Mo-Sử thi dân tộc Mường” dày hơn 2000 trang, là di sản vô giá không phải chỉ của dân tộc Mường mà của cả nền văn hoá Việt Nam. Múa dân gian phong phú như múa vật, múa bông; nhạc cụ có cồng chiêng với hát xéc bùa là đặc sắc; đặc biệt ở người Mường phải kể đến lễ ca, đó là những áng mo, bài khấn do thầy mo đọc và hát trong đám tang. Tiếng Mường là tiếng Việt cổ bị khu vực hoá, có đến 80% từ vựng tiếng Mường trùng với tiếng Việt trước thế kỷ XX, hiện còn bảo lưu khá bền vững trong cộng đồng người Kinh vùng Hà Tĩnh.

Dân tộc Thổ

Người Thổ sinh sống ở miền Tây tỉnh Nghệ An thuộc các huyện Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ. Hoạt động sản xuất chủ yếu là làm nương rẫy, một số nhỏ làm ruộng nước, trình độ canh tác phát triển khá cao. Cây lương thực được trồng chủ yếu là lúa, sau đó đến sắn, ngô. Ở các nhóm Kẹo, Mọn, Cuối, gai là cây được trồng nhiều và giữ vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của họ. Nghề đánh cá cũng rất phát triển; săn bắn, hái lượm tuy chỉ phát triển ở một số vùng nhưng nó đã góp phần đáng kể vào việc giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của họ.

Về tổ chức xã hội, dân cư sống thành làng xã như người Kinh, mỗi làng có trùm làng được dân bầu theo định kỳ hàng năm. Đàn ông ăn mặc giống người Kinh, phụ nữ ăn mặc theo sở thích, mỗi nhóm bắt chước các kiểu ăn mặc của người Thái, Mường hay Kinh tuỳ điều kiện của mỗi nhóm. Hôn nhân chủ yếu giữa người Thổ với nhau, tự do yêu đương qua sinh hoạt lễ hội, tập tục cho phép họ ngủ chung với nhau khi tìm hiểu nhau và gọi là ngủ mái, nhưng chỉ để chuyện trò tìm hiểu và cấm ngặt quan hệ sinh lý trước hôn nhân. Hôn lễ của người Thổ phải qua nhiều bước. Thông thường khi cưới nhà trai phải dẫn một con trâu, 100 đồng bạc trắng, 30 vuông vải, 6 thúng xôi, một con lợn. Nhiều vùng còn có tục ở rể. Tang ma cũng lắm thủ tục và thường tốn kém. Thờ cúng tổ tiên là chính, ngoài ra còn thờ rất nhiều loại thần, ma, đặc biệt là các vị thần có liên quan đến việc đánh giặc và khai khẩn đất đai. Hội lễ phong phú như hội xuống đồng hàng năm, theo đó là nhiều kiêng kỵ trong cuộc sống và sản xuất mà người Thổ thực hiện.

>> Xem thêm Danh sách 54 dân tộc anh em

guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x