[CPP] Tìm hiểu về một trong số 54 dân tộc anh em Việt Nam – dân tộc M’Nông. Các dân tộc cùng là con cháu của Lạc Long Quân – Âu Cơ, nở ra từ trăm trứng, nửa theo mẹ lên núi, nửa theo cha xuống biển, cùng mở mang xây dựng non sông “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”…
Sau đây là một số thông tin về dân tộc M’Nông như: Tên gọi, địa bàn cư trú, ngôn ngữ, văn hóa, trang phục, hình ảnh… để giúp bạn có cái nhìn tổng quan về dân tộc M’Nông.
- Tên dân tộc: M’Nông
- Tên tự gọi: M’Nông
- Tên gọi khác:
- Nhóm địa phương: Mnông Gar, Mnông Nông, Mnông Chil, Mnông Kuênh, Mnông Rlâm, Mnông Preh, Mnông Prâng, Mnông Đíp, Mnông Bu Nor, Mnông Bu Đâng, Mnông Bu Đêh…
DÂN TỘC M’NÔNG:
Tên gọi khác:
Bu-dâng, Preh, Ger, Nong, Prâng, Rlăm, Kuyênh, Chil Bu Nor, nhóm M’Nông Bu-dâng
Nhóm ngôn ngữ:
Môn – Khmer
Cư trú:
Tập trung ở phía nam tỉnh Ðắc Lắc, một phần tỉnh Lâm Ðồng và Sông Bé.
Ðặc điểm kinh tế:
Người M’Nông làm rẫy là chính, ruộng nước chỉ có ở vùng ven hồ, đầm, sông. Những con vật nuôi thông thường ở trong các gia đình là trâu, chó, dê, lợn, gà và một số nhà nuôi cả voi. Người M’Nông ở Bản Ðôn có nghề săn và thuần dưỡng voi nổi tiếng. Nghề thủ công của người M’Nông có dệt vải sợi bông do phụ nữ đảm nhiệm và đan lát các dụng cụ như gùi, giỏ, mùng… do đàn ông làm.
Tổ chức cộng đồng:
Mỗi làng thường có vài chục nóc nhà, ông trưởng làng đóng vai trò to lớn trong dân làng. Mọi người sống theo kinh nghiệm và tập tục truyền lại từ nhiều đời. Nam nữ, trẻ, già ai cũng thích rượu cần và thuốc lá cuốn.
Hôn nhân gia đình:
Người M’Nông theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, trong gia đình người vợ giữ vị trí chính, nhưng người chồng không bị phân biệt đối xử, họ sống tôn trọng nhau. Cha mẹ về già thường ở với con gái út.
Theo nếp cũ, đến tuổi trưởng thành, người M’Nông phải cà răng mới được yêu đương lấy vợ lấy chồng. Phong tục cưới xin gồm 3 bước chính là dạm hỏi, lễ đính hôn, lễ cưới. Nhưng cũng có nơi đôi vợ chồng trẻ ở phía nào là tùy thỏa thuận giữa hai gia đình.
Người M’Nông thích nhiều con, nhất là con gái. Sinh con sau một năm mới đặt tên chính thức.
Tục lệ ma chay:
Trong tang lễ, đồng bào có tập quán ca hát, gõ chiêng trống bên áo quan suốt ngày đêm. Sau khi hạ huyệt, đồng bào dùng cây, que và lá cây trải kín miệng hố rồi mới lấp đất lên trên. Qua 7 ngày hoặc một tháng, gia chủ làm lễ đoạn tang.
Nhà cửa:
Người M’Nông có cả nhà sàn và nhà trệt, ngôi nhà trệt của người M’Nông khá đặc biệt bởi chân mái thường buông xuống gần đất, nên cửa ra vào có cấu trúc vòm như tổ tò vò.
Trang phục:
Ðàn ông M’Nông thường đóng khố, ở trần. Ðàn bà M’Nông mặc váy quấn buông dài trên mắt cá chân. Thanh niên nam nữ thường mặc áo chui đầu. Khố, váy, áo màu chàm thẫm trang trí hoa văn đỏ đẹp mắt.
Bên trên là thông tin về dân tộc M’Nông. Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn tìm hiểu thêm về dân tộc M’Nông nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung. Xem thêm: Danh mục các dân tộc Việt Nam.