[CPP] Tìm hiểu về một trong số 54 dân tộc anh em Việt Nam – dân tộc Ta Ôi. Các dân tộc cùng là con cháu của Lạc Long Quân – Âu Cơ, nở ra từ trăm trứng, nửa theo mẹ lên núi, nửa theo cha xuống biển, cùng mở mang xây dựng non sông “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”…
Sau đây là một số thông tin về dân tộc Ta Ôi như: Tên gọi, địa bàn cư trú, ngôn ngữ, văn hóa, trang phục, hình ảnh… để giúp bạn có cái nhìn tổng quan về dân tộc Ta Ôi.
- Tên dân tộc: Ta Ôi
- Tên tự gọi:
- Tên gọi khác: Tôi Ôi, Pa Cô, Tà Uốt, Kan Tua, Pa Hi …
- Nhóm địa phương: Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hi
DÂN TỘC TÀ ÔI:
Tên gọi khác:
Tôi Ôi, Pa Cô, Ba Hi, Pa Hi.
Nhóm ngôn ngữ:
Môn – Khmer
Cư trú:
Sống tập trung ở huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) và Hương Hóa (Quảng Trị)
Ðặc điểm kinh tế:
Người Tà Ôi trước đây làm rẫy là chính, gần đây ở một số nơi đồng bào làm ruộng nước, có vườn cây ăn quả, đào ao thả cá.
Tổ chức cộng đồng:
Làng người Tà Ôi theo truyền thống thường có một ngôi nhà công cộng kiểu nhà rông dựng giữa làng: có vùng lại chỉ có ngôi “nhà ma” dựng ngoài rìa khu gia cư để hội tụ dân làng khi có lễ hội và sinh hoạt chung.
Từng dòng họ người Tà Ôi có riêng tên gọi, có kiêng kỵ nhất định, có truyền thuyết lý giải về tên gọi và điều kiêng cữ ấy. Con cái đều lấy họ theo cha, chỉ con trai được thừa hưởng gia tài. Trưởng họ đóng vai trò quan trọng trong cả việc làng.
Hôn nhân gia đình:
Thanh niên nam nữ Tà Ôi tự do tìm hiểu nhau qua tục đi “sim” tình tự nơi chòi rẫy. Họ trao vật làm tin cho nhau, rồi nhà trai nhờ người mai mối. Sau lễ cưới, cô dâu trở thành người nhà chồng. Việc kết hôn giữa con trai cô với con gái cậu được khuyến khích, nhưng nếu trai họ A đã lấy vợ ở họ B, thì trai họ B không được làm rể họ A mà phải tìm vợ ở họ C.
Tục lệ ma chay:
Người Tà Ôi có tục người chết được vài năm, dòng họ sẽ tổ chức cải táng, lúc này mới làm nhà mồ đẹp, trang trí công phu và dựng tượng quanh bờ rào mồ.
Văn hóa:
Người Tà Ôi có nhiều tục ngữ, ca dao, câu đố, có nhiều truyện cổ kể các chủ đề phong phú: nguồn gốc tộc người, nguồn gốc dòng họ, cuộc đấu tranh giữa kẻ giàu với người nghào, giữa cái thiện với cái ác, tình yêu chung thủy v.v… Dân ca có các điệu Ka-lơi, Ba-boih, Rơin và đặc biệt là điệu cha chấp trữ tình. Chiêng, cồng, đàn, sáo, kèn, trống, khèn là những loại nhạc cụ thường gặp ở vùng đồng bào Tà Ôi.
Nhà cửa:
Nhà ở của người Ta Ôi là nhà sàn dài phổ biến tại nhiều vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Nhìn bề ngoài, nhà Ta Ôi kể cả nhà sàn và nhà đất đều có nó hình mai rùa và đều có “sừng” trang trí hình hai đầu chim cu tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hòa của dân tộc.
Tổ chức mặt bằng sinh hoạt của nhà ở thống nhất trong toàn dân tộc. Trung tâm của ngôi nhà là căn mong: nơi thờ tự, tiếp khách, hội họp chung của mọi thành viên trong nhà. Diện tích còn lại được ngăn thành từng buồng (a song): chỗ ở và sinh hoạt của các gia đình. Thông thường thì các buồng được bố trí thành hai hàng theo chiều dọc. Ơở giữa là hành lang dành để đi lại. Ðến nay ở những nhà đất người ta vẫn duy trì bố cục bên trong nhà như vậy.
Trang phục:
Cá tính tộc người không rõ nét, nổi bật mà có sự giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa khác trên trang phục. Ðồ trang sức bằng đồng, bạc, hạt cườm, xương là phổ biến. Tục cà răng, căng tai, xăm mình, để tóc lá bài trước trán đã phai nhạt đi.
+ Trang phục nam:
Nam giới đóng khố, mặc áo hoặc ở trần.
+ Trang phục nữ:
Phụ nữ có áo, váy, có nơi dùng loại váy dài kéo lên che ngực
Bên trên là thông tin về dân tộc Ta Ôi. Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn tìm hiểu thêm về dân tộc Ta Ôi nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung. Xem thêm: Danh mục các dân tộc Việt Nam.