[CPP] Tìm hiểu Phong tục Việt Nam: Những người điều hành công việc trong lễ tang..”Phong” là nền nếp đã lan truyền rộng rãi, “Tục” là thói quen lâu đời. Nội dung phong tục bao hàm mọi mặt sinh hoạt xã hội…
Những người điều hành công việc trong lễ tang?
Trong lúc tang gia bối rối không có người chủ đạo điều hành, công việc sẽ rất lúng túng và phạm nhiều sai sót.
Khi thân nhân sắp từ trần, việc đầu tiên tang gia phải mời được người hộ tang. Người hộ tang phải là người thân thích gần gũi, có tuổi tác, kinh nghiệm, tháo vát, có uy tín trong họ. Người hộ tang thay mặt tang chủ điều hành mọi công việc, đối nội đối ngoại.
Nếu người hộ tang biết cúng lễ thì kiêm luôn, nếu không thì mời người chấp sự, Người chấp sự lo việc hướng dẫn về mặt nghi lễ từ mộc dục, khâm liệm, thiết linh, thành phục đến an táng. Thành phần và tế ngu (lễ 3 ngày sau khi chôn). Người chấp sự thường là người có văn hoá (chữ Hán, chữ Quốc ngữ) nên có thể kiêm luôn cả việc tư vấn (viết văn cúng tế, bài vị, long triệu, đối, trướng, cáo phó…).
Người thu lễ: Sau khi thành phục cho đến hết 3 ngày sau khi an táng phải có người thu lễ. Người đó chuyên túc trực ở nhà ngoài, hễ có khách đến phúng viếng thì tiếp khách nhận lễ đặt lên bàn thờ, báo cho thân chủ ra bái tạ. Người thu lễ phải ghi đầy đủ danh sách người đến viếng và số lễ vật, để sau này tang chủ biết mà tạ ơn. Người thu lễ kiểm tra lễ vật sau khi khách đã cúng lễ xong ra về. Vì vậy phải chọn người thân tín của tang gia.
Người chấp hiệu: Thông thường các ban hành lễ đã có người chấp hiệu chuyên trách. Người chấp hiệu là chỉ huy đám phu kiệu đưa quan tài từ nhà ra xe tang hoặc đại dư (tuy không có xe nhưng khiêng kiệu hay xe gọi là đại dư), điều kiển việc đi đứng, nâng lên hạ xuống, sang trái sang phải, bằng hiệu lệnh hai thanh gỗ ngắn cầm tay, cho đến lúc hạ huyệt, tháo giây đòn mà chén rượu, đĩa dầu lạc đặt trên nắp áo quan không sánh ra ngoài. Người chấp hiệu ngồi trên đại dư ở phía sau, hoặc đi bộ giật lùi trước quan tài để điều khiển.
Nếu gia đình nào tự thu xếp để con cháu kiêng áo quan thì phải chú ý chọn người chấp hiệu nhiều kinh nghiệm.
Chủ tang và chủ phụ: Là con trai trưởng và con dâu trưởng. Nếu tang cha mà mẹ còn sống thì mẹ là chủ phụ. Nếu cháu đích tôn thừa trọng (thay thế cha đã mất, khi làm lễ tang ông bà) thì cháu đích tôn là chủ tang, các ông chú đứng hai bên chỉ là bồi tế vợ của người cháu là chủ phụ khi bà chồng và mẹ chồng đã mất, còn các bà thím chỉ là phụ. Nếu cháu đích tôn còn bé quá, chưa chống gậy lễ tạ được thì chú thứ hai thay thế, nhưng vẫn phải nhân danh cháu mà bái lễ và bái tạ.
Những tục nghi lễ ngày xưa khá phức tạp, ngày nay đã được cải tiến, một số tục lệ lạc hậu, lỗi thời đã bị nhiều vùng bãi bỏ, ví dụ tục lăn đường, đuổi tà ma ác quỷ. Lệ tục chung vận dụng vào từng địa phương, từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau, ngày xưa đã vậy, huống hồ ngày nay. Có gia đình con đàn cháu lữ, của ăn của để, sung túc đề huề, có gia đình đơn bạc nghèo nàn nên phải tuỳ nghi châm trước.
Bên trên là bài viết Những người điều hành công việc trong lễ tang. thuộc chuyên mục về Lễ tang. Để biết thêm các Phong tục khác của Việt Nam bạn hãy xem thêm: Trăm điều nên biết về Phong tục Việt Nam.