[CPP] Hãy cùng chúng tôi so sánh các loại hình cơ sở giáo dục: Đại học, Học viện và Viện hàn lâm nhé!
Trường đại học, học viện và viện hàn lâm là các cơ sở giáo dục bậc cao đào tạo các bậc đại học và sau đại học, mang tính mở. Chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, danh giá với nhà tuyển dụng, phạm vi ảnh hưởng của trường và thành tích cựu sinh viên tạo nên danh tiếng của trường đại học. Việt Nam đã có nhiều cột mốc về đào tạo bậc cao trong lịch sử, từ trường đại học đầu tiên tại Việt Nam mang tên Quốc tử giám được thành lập từ năm 1076, đến đại học theo thiết chế hiện đại đầu tiên của Việt Nam cũng như các nước Bán đảo Đông Dương được thành lập từ năm 1907, tên Viện Đại học Đông Dương (Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay).
Đại học
Mô hình đại học tại Việt Nam tập trung phát triển các trường đại học chuyên ngành, đa ngành độc lập với trung tâm giáo dục của cả nước là Hà Nội. Mô hình một hệ thống đại học tập hợp nhiều trường đại học thành viên ít được phát triển hơn tại Việt Nam. Đối với các trường đại học công lập có hai cơ chế hoạt động chính đó là nhà nước kiểm soát và tự chủ. Với cơ chế tự chủ các trường đại học sẽ được quyền chủ động về vấn đề nhân sự, chương trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và tài chính vì vậy nhà nước giảm ngân sách cấp cho nhóm trường này.
Học viện và Viện hàn lâm
Học viện hay viện hàn lâm là mô hình giáo dục được phát triển từ đại học, ra đời sau này. So với đại học, học viện và viện hàn lâm chú trọng nghiên cứu hơn. Viện hàn lâm là cơ sở giáo dục bậc cao cấp cao nhất, thành viên của viện hàn lâm thường bao gồm những cá nhân xuất chúng trong những lĩnh vực có liên quan, những người được các thành viên khác bầu chọn, hoặc được chính phủ bổ nhiệm, chỉ đào tạo bậc sau đại học. Giá trị văn bằng được cấp bởi đại học và học viện là tương đương nhau.
Học viện và viện hàn lâm đều có nghĩa là Academy trong tiếng Anh (hay Ἀκαδημία trong tiếng Hy Lạp). Academy chỉ một cơ sở nghiên cứu và đào tạo (theo nghĩa như “học viện” trong tiếng Việt), hoặc một tổ chức nhằm thúc đẩy nghệ thuật, khoa học, văn chương, âm nhạc, hay một lĩnh vực văn hóa hay tri thức nào đó (thường gọi là “viện hàn lâm”).
Tên gọi Academy có nguồn gốc từ trường dạy triết học của triết gia Platon, thành lập vào khoảng năm 385 trước Tây lịch ở Akademia, đền thờ thần Athena (nữ thần của sự thông thái và sự khéo léo), nằm phía bắc Athens, Hy Lạp. Trong tiếng Việt, viện có nghĩa là nơi, sở.
Từ Academy (học viện) còn được dùng trong tên gọi các trường tiểu học và trung học (như nhiều trường ở Scotland, một số trường ở Anh và Hoa Kỳ); và trong tên gọi các trường dạy nghề mang tính chất thương mại, như trường dạy múa hay khiêu vũ, trường dạy hớt tóc, trang điểm, v.v… Trong tiếng Pháp, Académie còn có nghĩa là học khu, một đơn vị quản lý hành chánh về giáo dục.
Học viện và viện hàn lâm tại Việt Nam
Thời Việt Nam Cộng hòa, học viện thường là cơ sở giáo dục đại học có tính chất như là trường chuyên nghiệp (professional school), ví dụ: Học viện Quốc gia Hành chánh (nơi đào tạo nhân viên hành chánh cao cấp cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa, bậc đại học và sau đại học), Học viện Quốc gia Nông nghiệp (năm 1974 trở thành một trường thành viên của Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức),…
Ở Việt Nam hiện nay, học viện vừa đào tạo đại học, sau đại học vừa nghiên cứu chuyên sâu trong một lĩnh vực, một ngành trọng điểm quốc gia, như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Quốc phòng, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Tài chính, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Ngân hàng…
Viện hàn lâm ở Việt Nam hiện nay là các cơ quan nghiên cứu. Hiện Việt Nam có hai “viện hàn lâm”, cả hai đều là cơ quan nghiên cứu trực thuộc chính phủ Việt Nam:
- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thành lập vào năm 2012, tiền thân là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2004-2012), trước đó là Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (1993-2004). Viện hàn lâm này có chức năng “nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật.”
- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thành lập vào năm 2012, tiền thân là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2003-2012), trước đó là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (1993-2003). Viện hàn lâm này có chức năng “nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.”
Học viện và viện hàn lâm tại các quốc gia khác
Ở các nước khác, viện hàn lâm quốc gia là những tổ chức dành cho các nhà khoa học, nghệ sĩ, hay nhà văn và nhà thơ. Một số viện hàn lâm quốc gia có thể không dùng chữ academy trong tên gọi của mình, chẳng hạn Hội Hoàng gia (Royal Society) của Anh. Thành viên của viện hàn lâm thường bao gồm những cá nhân xuất chúng trong những lĩnh vực có liên quan, những người được các thành viên khác bầu chọn, hoặc được chính phủ bổ nhiệm. Các viện hàn lâm này không phải là các trường học hay trường đại học, mặc dù một số viện hàn lâm có thể có một số hoạt động giảng dạy. Trong số các viện hàn lâm quốc gia thì Viện hàn lâm Pháp (Académie Française) có nhiều ảnh hưởng nhất.
Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, tổ chức trao Giải Oscar hàng năm, là một ví dụ về một tổ chức thuần túy công nghiệp có sử dụng tên gọi viện hàn lâm. Còn các học viện, theo kiểu trường đại học, thì có Học viện Âm nhạc Hoàng gia (Royal Academy of Music) của Anh; Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point, New York; Học viện Hải quân Hoa Kỳ; Học viện Không quân Hoa Kỳ; và Học viện Quốc phòng Úc. Ở Hoa Kỳ còn có các học viện cảnh sát (police academies) để đào tạo cảnh sát.
Nên học Đại học hay Học viện?
Xét cho cùng, điều chính yếu trong giáo dục là mức độ kiến thức mà học sinh nhận được, chứ không phải hình thức hay tình trạng của cơ sở giáo dục.
Có một điều bạn có thể yên tâm rằng, không có sự khác biệt về chất lượng giáo dục cũng như uy tín của văn bằng của hai đơn vị giáo dục này. Nhà tuyển dụng cũng không quan tâm bạn đã học ở đâu – tại học viện hay trường đại học. Về bản chất, họ chỉ quan tâm tới mức độ hiểu biết và kỹ năng chuyên ngành của bạn mà thôi. Do đó, biết cố gắng tích lũy kiến thức, không ngừng học hỏi và nâng cao năng lực thì bạn vẫn có thể thành công.
Tạm kết “Sự khác biệt giữa Đại học và Học viện”:
- Học viện (tiếng Anh là Academy) sẽ bao gồm cả phần dạy và phần nghiên cứu. Học viện thường là đơn vị của ngành (ví dụ như Học viện Quân sự thuộc ngành quân sự, được phép giảng dạy chi tiết và chuyên sâu về lĩnh vực đó). Trong khi đó Đại học (tiếng Anh là University) sẽ chuyên về giảng dạy.
- Thời gian đào tạo cũng khác nhau trung bình thời gian tại đại học là 4 năm hoặc từng chuyên ngành là 4-6 năm. Còn học viện trung bình là trên dưới 5 năm.
- Học viện thường đào tạo sâu và mang tính chất chuyên môn cao, thiên về nghiên cứu. Còn đào tạo của Đại học mang tính nghề nghiệp nhiều hơn.
Còn lại, về cơ bản, Học viện hay Đại học đều yêu cầu bạn phải tốt nghiệp cấp 3 mới có thể tham gia thi. Khi ra trường, theo Bộ GD&ĐT quy định, bằng cấp của Đại học hay Học viện đều giống nhau. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên theo học tại đây đều được cấp bằng cử nhân hoặc kỹ sư.
Như vậy, bên trên chúng ta đã tìm hiểu sự khác nhau cơ bản của Đại học, Học viện và Viện hàn lâm. Hy vọng bài viết có ích cho bạn!