[CPP] Bài viết sẽ giải đáp thắc mắc về các thuật ngữ: Lĩnh vực, Nhóm ngành, Ngành, Nghề và Chuyên môn… để từ đó các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Lĩnh vực
Lĩnh vực là một đơn vị phân loại nghề ở mức độ khái quát nhất, là tập hợp những nhóm ngành có đối tượng nghề nghiệp và yêu cầu đối với người lao động khá giống nhau.
Lĩnh vực được chia làm bốn lĩnh vực chính: Tự nhiên, xã hội, văn hóa nghệ thuật và tổng hợp.
- Lĩnh vực xã hội: Đối tượng của các ngành trong lĩnh vực xã hội là con người. Lĩnh vực này cần những người lao động có thể chất bình thường trở lên, phản ứng nhanh; Tính cách hòa đồng, giầu tình thương…; Kỹ năng giao tiếp, tự chủ, biểu đạt tốt…
- Lĩnh vực tự nhiên: Đối tượng của các ngành nghề trên lĩnh vực tự nhiện là các dấu hiệu, là các kỹ thuật hoặc thiên nhiên. Lĩnh vực này cần những người lao động có thể chất tốt, tay & mắt tinh khéo, tập trung chú ý cao; Tính cách thận trọng, tỉ mỉ, nguyên tắc…; Kỹ năng tính toán, quan sát, tưởng tượng tốt…
- Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Đối tượng của các ngành nghề trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là cái đẹp. Lĩnh vực này cần những người lao động giầu cảm xúc, có óc thẩm mỹ, sáng tạo cao…
- Lĩnh vực tổng hợp: Đối tượng của các ngành nghề trên lĩnh vực tổng hợp là đa dạng. Có thể là người kết hợp với người, với dấu hiệu hoặc với cả thiên nhiên… Lĩnh vực này cần những người lao động có thể chất tốt, tính cách tự tin, năng động, dũng cảm, đa tài…
>> Xem thêm: Danh mục Giáo dục, Đào tạo cấp II
Nhóm ngành
Nhóm ngành là tập hợp của các ngành có đối tượng nghề nghiệp, yêu cầu với người lao động khá giống nhau, nhưng có mục đích hoạt động khác nhau. Các ngành trong từng nhóm ngành thường hướng tới một trong 3 loại mục đích sau:
- Nhận thức đối tượng như các nghề thanh tra viên, điều tra viên, KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm), kiểm toán viên…
- Mục đích biến đổi đối tượng như các nghề sư phạm, bác sĩ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp…
- Mục đích phát hiện, khám phá những cái mới như nhà khoa học, nhà sáng tác văn học nghệ thuật, nhà thiết kế thời trang…
>> Xem thêm: Danh mục Giáo dục, Đào tạo cấp III
Ngành
Ngành là tập hợp của các nghề không chỉ có đối tượng nghề nghiệp, yêu cầu đối với người lao động khá giống nhau mà còn có chung mục đích hoạt động.
Ví dụ:
- Trong ngành Y có nghề bác sĩ, nghề y tá, nghề hộ lý… Những nghề này có yêu cầu chung đối với người lao động là khỏe mạnh, giàu tình thương, giỏi quan sát, tư duy logic, phán đoán… và đều hướng tới mục đích là phòng bệnh, chữa bệnh và bảo vệ sức khoẻ cho người dân.
- Ngành Công nghệ thông tin có các nghề lập trình viên, thiết kế WEB, kỹ thuật viên… Những nghề này đều yêu cầu người lao động khỏe mạnh, ưa hoạt động tĩnh, kiên trì, thích kỹ thuật, nhạy cảm với con số, giỏi tư duy trừu tượng… và đều hướng tới mục đích là chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin.
=> Có thể chia thành hàng chục ngành khác nhau: Ngành giáo dục đào tạo, ngành tài chính, ngành xây dựng, du lịch…
Trong đời sống xã hội, ngành là phạm trù chỉ tập hợp các đơn vị, tổ chức theo mục tiêu hoạt động hay cơ cấu sản phẩm nhất định. Sự ngành trong đời sống xã hội là hiện tượng tất yếu khách quan, nó phản ánh những nhu cầu và động đa dạng cũng như sự phân công, phối hợp của con người trong quá trình lao động xã hội. Ngành là khái niệm trong lĩnh vực kinh tế xã hội. Xã hội càng phát triển, sự phân công và phối hợp giữa các ngành càng hoàn thiện.
Trong quản lí nhà nước, sự phân ngành cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt, nó phản ánh sự phân chia thành các loại khác nhau của đối tượng quản lí nhưng mặt khác, nó còn thể hiện sự phân công lao động trong hoạt động quản lí nhà nước nhằm tạo sự phù hợp và đạt hiệu quả cao trong hoạt động này. Tuy nhiên, sự phân ngành trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có quy luật và yêu cầu riêng của nó, nhất là trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam thì cần phải có bộ máy nhà nước gọn nhẹ, đa năng, hiệu lực và hiệu quả, vừa giữ vững kỉ cương vừa phát huy vai trò tích cực, chủ động sáng tạo của các ngành, các cơ sở kinh tế xã hội.
>> Xem thêm: Danh mục Giáo dục, Đào tạo cấp IV
Nghề
Nghề
Nghề là những tập hợp của các chuyên môn có đối tượng nghề nghiệp, có yêu cầu với người lao động, có mục đích hoạt động giống nhau nhưng khác nhau các công việc cụ thể hàng ngày.
Ví dụ:
- Nghề Sư phạm sẽ có các chuyên môn Anh văn, toán, nhạc, họa…
- Nghề Y sẽ có các chuyên môn như nha khoa, ngoại khoa, thẩm mỹ…
=> Có thể chia thành hàng trăm nghề khác nhau.
Nghề nghiệp trong xã hội không phải là một cái gì cố định, cứng nhắc. Nghề nghiệp cũng giống như một cơ thể sống, có sinh thành, phát triển và tiêu vong. Chẳng hạn, do sự phát triển của kỹ thuật điện tử nên đã hình thành công nghệ điện tử, do sự phát triển vũ bão của kỹ thuật máy tính nên đã hình thành cả một nền công nghệ tin học đồ sộ bao gồm việc thiết kế, chế tạo cả phần cứng, phần mềm và các thiết bị bổ trợ… Công nghệ các hợp chất cao phân tử tách ra từ công nghệ hóa dầu, công nghệ sinh học và các ngành dịch vụ, du lịch tiếp nối ra đời…
Nghề và Ngành
Sự khác biệt giữa ngành và nghề
Mọi người thường hay bị nhầm lẫn giữa ngành và nghề. Chúng ta có thể hiểu ngành khi bạn học để lấy kiến thức chuyên môn phục vụ nghề (những vị trí công việc cụ thể). Thông thường một ngành có thể làm được nhiều nghề khác nhau. Ví dụ, ngành kỹ thuât công trình giao thông nhưng có người sẽ làm kỹ sư giám sát trực tiếp các công trình, có người chọn theo hướng kỹ sư thiết kế làm việc văn phòng.
Nhưng trong một số trường hợp, làm một nghề có thể tốt nghiệp từ nhiều ngành học khác nhau. Ví dụ thực tế có nhiều nhà báo tốt nghiệp từ nhiều ngành học như: báo chí, ngữ văn, ngôn ngữ học, sư phạm, ngôn ngữ Anh, luật, kinh tế, thậm chí các ngành kỹ thuật.
Nghề và Nghề nghiệp
Sự liên quan giữa nghề và nghề nghiệp
Nghề nghiệp là một danh từ ghép do hai tiếng “Nghề” và “Nghiệp” hợp nghĩa tạo thành. Để thực hiểu bản chất khái niệm nghề nghiệp là gì, chúng ta cần phân tích cặn kẽ ý nghĩa của hai tiếng này.
Hiểu một cách đơn giản, nghề nghiệp là công việc được xã hội chấp nhận, tạo nên thu nhập cho bản thân và đem lại giá trị cho cộng đồng. Có thể kể đến nhiều nghề nghiệp khác nhau như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, thợ mộc…
Nghề nghiệp cũng là đích đến mà mỗi người đều muốn gắn kết lâu dài. Vì thế nghề nghiệp được lựa chọn dựa trên đam mê, khả năng cũng như sự suy xét lưỡng. Ai ai cũng muốn thực hiện, theo đuổi và ngày càng phát triển nghề nghiệp của bản thân.
Nếu bạn đã hiểu bản chất nghề nghiệp là gì, hẳn bạn cũng sẽ biết được ý nghĩa quan trọng của nó. Nghề nghiệp không chỉ đem đến cho chúng ta nguồn lực về tài chính mà còn bồi dưỡng nhân cách, áp dụng chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm, thỏa mãn niềm khát khao và tạo nên sự hài lòng về chất lượng cuộc sống.
Chính vì vậy, mỗi cá nhân cần suy xét thật cẩn thận theo nhiều khía cạnh trước khi đi đến quyết định chọn nghề. Một quyết định chọn nghề sai lầm có thể ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cá nhân. Nó gây nên hàng loạt cảm xúc tiêu cực như cảm giác chán nản, thất bại, bất lực, kiệt sức… Từ đó khiến bạn đánh mất niềm tin và cảm nhận cuộc sống trống rỗng, bế tắc.
Chuyên môn
Chuyên môn
Chuyên môn là một công việc cụ thể người lao động phải làm hàng ngày. Bằng năng lực thể chất và tinh thần của mình tạo ra những giá trị vật chất (thực phẩm, lương thực, công cụ lao động…) hoặc giá trị tinh thần (sách báo, phim ảnh, âm nhạc, tranh vẽ…).
=> Có thể chia thành hàng chục nghìn chuyên môn khác nhau. Mọi người đều thông qua hoạt động chuyên môn để hoàn thành sứ mệnh nghề nghiệp, kiếm sống và cống hiến hết mình cho xã hội.
Chuyên môn và Nghề
Sự khác biệt giữa nghề và chuyên môn
Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội.
Nghề bao gồm nhiều chuyên môn. Chuyên môn là một lĩnh vực lao động sản xuất hẹp mà ở đó, con người bằng năng lực thể chất và tinh thần của mình làm ra những giá trị vật chất hoặc giá trị tinh thần với tư cách là những phương tiện sinh tồn và phát triển của xã hội.
Trên thế giới hiện nay có trên dưới 2000 nghề với hàng chục nghìn chuyên môn. Ở Liên Xô trước đây, người ta đã thống kê được 15.000 chuyên môn, còn ở nước Mỹ, con số đó lên tới 40.000.
Vì hệ thống nghề nghiệp trong xã hội có số lượng nghề và chuyên môn nhiều như vậy nên người ta gọi hệ thống đó là “Thế giới nghề nghiệp”. Nhiều nghề chỉ thấy có ở nước này nhưng lại không thấy ở nước khác. Hơn nữa, các nghề trong xã hội luôn ở trong trạng thái biến động do sự phát triển của khoa học và công nghệ. Nhiều nghề cũ mất đi hoặc thay đổi về nội dung cũng như về phương pháp sản xuất. Nhiều nghề mới xuất hiện rồi phát triển theo hướng đa dạng hóa. Theo thống kê gần đây, trên thế giới mỗi năm có tới 500 nghề bị đào thải và khoảng 600 nghề mới xuất hiện. Ở nước ta, mỗi năm ở cả 3 hệ trường (dạy nghề, trung học chuyên ngiệp và cao đẳng – đại học) đào tạo trên dưới 300 nghề bao gồm hàng nghìn chuyên môn khác nhau.
Bên trên là so sánh cơ bản về các thuật ngữ: lĩnh vực, nhóm ngành, ngành, nghề và chuyên môn. Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn bổ thêm một số thông tin cần thiết. Chúc bạn học tập và làm việc tốt!