Vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam

[CPP] Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu vùng kinh tế trọng điểm (Vietnam’s Key Regions and Economic Zones)?

Trong quá trình hình thành và phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm đang phát huy lợi thế, tạo nên thế mạnh của mình theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Thông tin thêm

Vùng kinh tế trọng điểm được Đảng và Nhà nước xác định là vùng động lực làm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước. Hiện cả nước có 04 vùng kinh tế trọng điểm gồm:

  1. Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc
  2. Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ
  3. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
  4. Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Các vùng kinh tế trọng điểm là đầu mối giao thương quan trọng, làm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của những vùng khác.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (North Key Economic Zone)

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được thành lập theo quyết định Thủ tướng từ tháng 9/1997 gồm các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương với diện tích hơn 10.000km².

Sau khi Quốc hội quyết định mở rộng địa giới thành phố Hà Nội (sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội) thì tổng diện tích vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sau khi bổ sung là hơn 11.300km². Hiện vùng kinh tế trọng điểm này có 7 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc (3 hạt nhân của vùng là Hải Phòng, Hà Nội và Quảng Ninh).

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ là kết quả của việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là theo hình thức đối tác công tư PPP, góp phần tăng cường thúc đẩy liên kết các địa phương trong vùng và các địa phương lân cận tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội, như: các tuyến cao tốc (Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai, Hạ Long – Hải Phòng); đường hàng không trong nước và quốc tế (Sân bay Nội Bài, Sân bay Cát Bi, Sân bay Vân Đồn); các cảng biển quan trọng (Cảng Quốc tế tại Lạch Huyện, Cảng Cái Lân). Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển và là đầu mối kết nối vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các vùng kinh tế trong nước, khu vực và thế giới.

Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ (Central Key Economic Zone)

Vùng kinh tế Trung Bộ được thành lập từ tháng 11/1997 theo quyết định của Thủ tướng, gồm thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện quy mô của vùng được mở rộng thêm tỉnh Bình Định, nâng tổng số tỉnh thành ở vùng kinh tế này là 5.

Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ (trước gọi là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) là tên gọi của khu vực kinh tế động lực tại miền Trung Việt Nam, Hiện nay bao gồm các tỉnh và thành phố: Thừa Thiên – Huế, thành phố Đà Nẵng (hạt nhân), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Đây là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam.

Đặc trưng của vùng này là các khu kinh tế cảng biển tổng hợp.

  • Các khu kinh tế gồm có: khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất, khu kinh tế Chân Mây, và khu kinh tế Nhơn Hội. Vùng kinh tế này yếu kém hơn về mặt hạ tầng và nhân lực so với các vùng kinh tế trọng điểm khác nhưng lại có tiềm năng lớn về cảng biển trung chuyển lớn và phát triển du lịch nghỉ dưỡng (chiếm phần lớn các dự án khu nghỉ mát biển của cả nước) và di sản thế giới (khu vực Trung Bộ chiếm 5/9 di sản thế giới tại Việt Nam). Khu vực này cũng có tiềm năng về phát triển công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải.
  • Hạ tầng gồm có: sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay trung chuyển hàng hóa Chu Lai (tương lai); cảng Liên Chiểu và đặc biệt là dự án cảng trung chuyển Vân Phong có tổng vốn lên đến 15 tỷ USD do Tập đoàn Sumimoto chủ trì đầu tư; Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh. Đà Nẵng là điểm cuối trong Hành lang kinh tế Đông – Tây nối Đông Bắc Thái Lan, Trung Lào và Trung Trung Bộ Việt Nam.

Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ (Southern Key Economic Zone)

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được thành lập từ tháng 2/1998 gồm TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích tự nhiên hơn 12.600km². Từ giữa năm 2003, Thủ tướng đã quyết định mở rộng ranh giới vùng, bổ sung 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An.

Hiện nay, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, gồm 08 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2% và dân số chiếm 21% của cả nước, nhưng GRDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước, đóng góp trên 42% tổng thu ngân sách.

Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta Key Economic Zone)

Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập từ tháng 4/2009, gồm tỉnh thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau; rộng hơn 16.200km².

Vùng có vị trí địa kinh tế quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội và giao thương với khu vực. Nằm ở cực của Tổ quốc, tiếp giáp với Campuchia thông qua vịnh Thái Lan; giáp với biển Đông với bờ biển dài. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển giao lưu thương mại và du lịch với khu vực.

Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vùng KTTĐ nói riêng, là một trong những đồng bằng châu thổ rộng và phì nhiêu ở Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất lương thực, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản và vùng cây ăn trái nhiệt đới rộng lớn. Điều kiện thuận lợi để sản xuất gạo, thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Bên trên là sơ lược các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Dữ liệu sẽ tiếp tục cập nhật khi có sự thay đổi!

* Xem thêm Giới thiệu chung về các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam (lịch sử hình thành, dân số, kinh tế – xã hội…).

guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x